CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  Em Chỉ Tiếc Không Ở Bên Anh Đến Già


Phan_10

Về sau khi nghĩ lại, tôi hiểu, sở dĩ khi đó tôi tùy hứng vô lý với La Duy như vậy, tôi không sợ cãi nhau, tôi xem chuyện được cậu ấy chiều chuộng là đương nhiên, đều là bởi vì tôi tin chắc rằng, cậu ấy rất thích tôi.

Cậu ấy cho tôi một mối tình đầu đẹp như thế, đủ để tôi của mấy chục năm sau khi tóc đã bạc đầu, nhớ lại những ký ức xưa, vẫn cảm thấy ngọt ngào.

Hồi đó chúng tôi cũng hiểu ý nhau, không hề nói gì đến chuyện chia lìa trong tương lai, chỉ hết sức tận hưởng hiện tại tốt đẹp. Có lẽ chúng tôi đều hiểu, vấn đề này quá nghiêm trọng, cũng quá khó khăn. Tương lai luôn có những chuyện ta không cách nào kháng cự, chỉ có thể vào lúc còn ở bên nhau, toàn tâm toàn ý yêu thương người ấy.

Trong ký ức của rất nhiều người, lớp Mười hai là một năm học rất nặng nề, rất mệt mỏi. Nhưng nếu như cho tôi lựa chọn, tôi chỉ mong sao thời gian vĩnh viễn ngừng lại vào năm ấy. Có thể khi đó vận mệnh của tôi không tốt đẹp, bố mẹ đều lựa chọn cuộc sống mới mà từ bỏ tôi. Thế nhưng, chú thím yêu thương tôi, cho tôi cuộc sống tốt nhất. Anh cũng tiếp nhận tôi, đối xử với tôi không tệ. Bạn bè bên cạnh luôn bảo vệ tôi. Và La Duy, cậu ấy vô cùng nâng niu tôi, thương yêu tôi, che chở cho tôi. Tôi thực sự rất hạnh phúc.

-

Năm ấy anh tốt nghiệp đại học trở về nhà. Anh không đi du học, cũng không đến làm việc ở công ty của chú.

Thời gian đó, việc kinh doanh của chú càng ngày càng phát triển, cũng bắt đầu khôi phục lại mảng vận tải hậu cần*1, ở tỉnh cũng coi như là người có máu mặt. Thường có người ở quê tìm đến nhà, muốn chú có thể sắp xếp cho họ một công việc tốt ở tỉnh. Chú cũng ít khi từ chối, đối với mọi người đều nhiệt tình, hết lòng đối đãi với họ. Lúc ở nhà chú thường xuyên cảm thán, khi còn trẻ chỉ muốn liều mạng kiếm tiền, giờ già rồi thì lại để ý đến cách người khác nghĩ về mình, cũng muốn làm chuyện gì đó cho quê hương.

Thế nhưng những người từ quê lên đó, dường như không chịu nỗ lực, ỷ mình là họ hàng, là đồng hương của chú, không làm được nhiều việc lại chỉ thích sai khiến người khác, khiến nhân viên không thoải mái. Chú không tiện ra mặt, chỉ hy vọng anh có thể đến giúp, vì có những chuyện để anh giải quyết thì sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên anh lại quyết định tự thành lập công ty mạng máy tính. Anh từ chối nguồn vốn mà chú tài trợ, nhưng vẫn cần dựa vào một vài mối quan hệ của chú. Mặc dù chú không tình nguyện lắm, nhưng là con nhà mình, chú vẫn phải giúp. Dù sao anh cũng đã hứa với chú, chỉ cần công ty đi vào quỹ đạo và phát triển tốt, anh sẽ tới công ty chú, giúp chú quản lý.

Chú than với thím, “Xem ra em phải đợi thêm mấy năm nữa. Kế hoạch đi du lịch của chúng ta phải lùi lại thôi.”

Thím nói, “Đã nhiều năm như thế cũng quen rồi, có vài năm nữa thì đáng gì?”

“Chú Lương, chú còn khỏe mạnh lắm, còn có thể làm thêm hai mươi năm nữa ấy chứ. Tính vội chuyện về hưu làm gì ạ.” Anh khen chú.

Chú trừng mắt nhìn anh, “Con xem chú là trâu bò đấy à? Sắp bảy mươi tuổi rồi còn không cho chú nghỉ ngơi.”

-

Tháng sáu năm đó, tôi thi tốt nghiệp.

Đúng là mỗi người mỗi khác. Lúc thi tốt nghiệp anh vô cùng nhởn nhơ, chẳng có gì khác so với ngày thường, chú thím cũng không quá lo lắng. Đến lượt tôi, tuy rằng chú thím vẫn động viên tôi không cần căng thẳng, chú thậm chí còn bảo tôi có thi không tốt cũng không sao, nhất định vẫn có cách cho tôi học lên. Mặc dù tôi gật đầu đồng ý, nhưng lúc về phòng vẫn cảm thấy hơi lo.

Đến bố mẹ cũng thường xuyên gọi điện hơn. Dường như đến lúc này họ mới nhớ ra họ còn có một đứa con gái. Nội dung cuộc điện thoại thường là những lời cổ vũ tôi. Mẹ kể cho tôi rất nhiều chuyện, nói rằng mẹ sống không tốt lắm, mẹ giờ chẳng mong gì hơn, chỉ hy vọng sau này tôi có thể giúp em gái. Bố dặn tôi đừng phụ kỳ vọng của bố, đừng phụ sự chăm sóc của chú bao năm nay. Tôi thực sự rất muốn hỏi, những năm gần đây rốt cuộc bố đã cho tôi được cái gì, có kỳ vọng gì với tôi mà nói đến chuyện phụ hay không phụ. Thế nhưng lời đã ra đến miệng, tôi lại nuốt vào, chỉ nhỏ giọng nói “Vâng”.

Tôi thấy tôi đúng thực là vô dụng, vừa gặp chuyện là đã nản chí rồi.

La Duy nhìn ra sự căng thẳng của tôi. Tuy cậu ấy không trực tiếp động viên, nhưng mỗi tối sẽ gọi điện thoại cho tôi kể truyện cười. Truyện cười của cậu ấy thực sự chẳng buồn cười chút nào, ví dụ như cậu ấy kể, bạn học của Tiểu Minh đều chế giễu tóc cậu ấy tua rua như đuôi con diều, Tiểu Minh rất đau lòng, khóc một mình trong sân tập thể thao, cứ khóc mãi khóc mãi rồi tự nhiên bay lên trời. Sau đó cậu ấy ở đầu dây bên kia tự cười phá lên, “Haha, buồn cười quá nhỉ!”

Tôi đáp cho có lệ, “Ừ, buồn cười thật.”

“Truyện hay như thế mà em cũng không thấy buồn cười hả? Đời này của anh phải dựa vào truyện cười mà sống đấy...”

Tôi lớn tiếng cười, “Haha. Ai bảo em không buồn cười chứ?”

“Để anh kể tiếp. Khi còn nhỏ, đám bạn luôn nói Tống Kỳ Phong là một thằng ngốc. Cậu ta đau lòng muốn chết, chạy về nhà hỏi mẹ, mẹ, con có phải thằng ngốc không? Mẹ cậu ta an ủi, ngốc ạ, sao con lại là thằng ngốc được chứ... Haha...”

Rốt cuộc tôi không nhịn nổi mà bật cười. Không phải vì câu chuyện cậu ấy kể, đây rõ ràng là truyện cười nhạt nhẽo trong báo. Tôi buồn cười là vì người kể chuyện, “Sao anh lại ngốc như thế chứ? Tự mình kể rồi tự mình cười.”

“Em vui là được, anh đây chẳng nề hà gì mấy chuyện vặt vãnh. Vợ ơi, em đừng suy nghĩ quá nhiều, ngủ sớm chút đi!”

“Biến đi. Ai là vợ anh chứ?” Tôi mắng cậu ấy.

“Ai đang nói chuyện với anh thì người đó là vợ anh. Nếu em không thích, anh gọi bà xã, phu nhân, hay nương tử, được không?” Cậu ấy trêu, “Thực ra anh thấy mấy từ đó đều quá tầm thường. Tống Kỳ Phong cũng gọi Tiết Doanh như vậy.”

“Thôi được rồi, anh đi ngủ đi. Ngủ ngon.”

Giọng cậu ấy chợt trở nên vô cùng dịu dàng, “Ừ, em ngủ ngon.”

Tôi vừa cúp máy thì có người gõ cửa. Tôi liền ra mở cửa.

Là anh.

Nhìn dáng vẻ anh, chắc chắn là mới về. Quần áo còn chưa thay, thoạt nhìn có chút mệt mỏi. Công ty vừa thành lập, chuyện gì cũng cần đến anh, quả thực rất vất vả.

Anh vào phòng, nhìn một lượt rồi đi đến bàn học của tôi, tùy tiện lật vở bài tập.

Tôi không hiểu anh qua đây làm gì, “Anh ơi, anh có việc gì ạ?”

Anh lườm tôi, “Không có việc thì không thể tới thăm em à?”

Người đã đẹp thì có lườm người khác vẫn cứ đẹp. Tuy anh đen hơn trước rất nhiều, nhưng lại tuấn tú phong độ hơn, đôi mày kiếm cao cao trông đầy hiên ngang khí phách.

Tôi im lặng, chỉ có thể để mặc anh ngồi đó.

Bỗng nhiên anh nhăn mặt, “Em viết cái gì thế này? Sai rồi.”

Tôi nhìn qua, thấy anh đang chỉ vào vở bài tập Toán thì đỏ mặt, “Em vừa làm xong, còn chưa kịp so đáp án.”

“Em vừa mới nói chuyện điện thoại phải không?” Anh chợt hỏi.

“À... Vâng.”

“Là ai thế?” Anh lơ đãng hỏi.

“Bạn học ạ.”

Mặt anh lộ rõ vẻ không tin, nhìn tôi cười cười, “Lương Mãn Nguyệt, em tự thấy mình trưởng thành rồi phải không?”

“Sao? Đâu có ạ.”

“Em đừng giả ngốc với anh. Đưa điện thoại đây, anh tịch thu.”

“Em đừng giả ngốc với anh. Đưa điện thoại đây, anh tịch thu.”

Tôi phản kháng, “Sao lại tịch thu chứ?”

“Hai ngày nữa là thi rồi, anh sợ ảnh hưởng đến việc học của em.” Anh nghiêm túc nói, “Thi xong anh sẽ trả lại em.”

“Anh...” Tôi không biết làm sao để phản đối. Dù sao điện thoại cũng là đồ anh cho.

Anh cau mày, “Đừng có làm nũng với anh. Có phải anh không trả em đâu.”

“Cái này không ảnh hưởng gì tới em được đâu. Hơn nữa đã sắp thi rồi, có muốn ảnh hưởng cũng chẳng kịp nữa.”

Anh không nói gì thêm, chỉ lạnh lùng nhìn tôi. Hai người đấu mắt một hồi, cuối cùng tôi vẫn ngoan ngoãn giao điện thoại ra.

Anh không kiểm tra nội dung bên trong, lấy được điện thoại là tắt máy, đứng lên xoa đầu tôi, “Ngủ đi, anh về phòng.” Giọng nói dịu đi không ít.

Nhìn đi, anh tôi không chỉ thích xen vào chuyện người khác, lại còn vui giận thất thường.

Anh đi rồi tôi mới hối hận. Đáng lẽ phải rút SIM ra mới đúng, tôi còn có một cái điện thoại cũ cơ mà. Xem ra không còn cách nào khác, đành bảo La Duy mấy ngày tới đừng gọi điện cho tôi nữa vậy.

-

Trước khi thi tốt nghiệp rất căng thẳng, nhưng tới hôm thi tôi lại chẳng có cảm giác lo lắng gì. Thành tích của tôi luôn khá ổn định, thi thử vài lần điểm không chênh lệch là mấy. Có căng thẳng cũng vô dụng, cứ như vậy đi.

Hiếm khi anh có lòng tốt lái xe đưa tôi đến trường. Tôi đang chuẩn bị xuống xe thì anh gọi giật lại, đưa cho một cái hộp. Tôi mở ra xem, bên trong là một chuỗi thạch anh tím nằm ngay ngắn, tỏa ra ánh sáng dịu dàng.

“Cho em đấy. Đeo đi.”

Thỉnh thoảng anh lại cho tôi quà, tôi cũng quen rồi. Tôi biết anh mà đã muốn cho cái gì thì không thể từ chối được, nên vui vẻ đeo lên, “Cảm ơn anh.”

“Không có gì. Đi đi.”

Tôi xuống xe. Bầu trời trong xanh, thời tiết rất đẹp. Từ xa tôi đã thấy La Duy đứng trước cửa phòng thi, Tống Kỳ Phong cũng ở bên cạnh, nói cười gì đó. Nụ cười của La Duy sáng bừng dưới ánh mặt rời, rực rỡ lạ thường. Tôi thở nhẹ ra một hơi, tươi cười bước đến.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái như lúc thi xong môn cuối cùng. Không phải tiếp tục lo lắng bài làm tốt hay không, có thể không cần bận tâm đến những thứ liên quan đến kỳ thi, để đầu óc nghỉ ngơi một chút.

Sân trường rất huyên náo ồn ào. Có người reo hò, có người ném sách. Có rất nhiều người đi qua tôi mà toàn là người lạ. Tôi cố gắng tìm kiếm trong đám người thì bỗng nhìn thấy Dương Vân Khai.

Từ sau khi chia lớp, tôi rất ít khi gặp cậu ấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có thể nghe tên. Kỳ thi Toán học, thi Vật lý cậu ấy đều đứng nhất khối. Người con trai trầm mặc từng ngồi cạnh tôi khi ấy giờ thực sự có rất nhiều vinh quang.

Thoạt nhìn cậu ấy có vẻ tách biệt với thế giới xung quanh. Trên khuôn mặt vẫn là vẻ bình tĩnh, bước đi một mình.

Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại gọi cậu ấy.

Cậu ấy nhìn thấy tôi. Có lẽ vẫn nhớ tôi là người bạn ngồi cùng bàn khi trước nên dừng bước.

Thực ra hồi cấp Hai mặc dù chúng tôi ngồi cùng nhau một thời gian dài, nhưng rất ít khi nói chuyện. Tôi gọi cậu ấy xong lại không biết nên nói gì, chỉ có thể hỏi một câu vô cùng tầm thường, “Cậu thi thế nào?”

“Cũng tạm được.” Cậu ấy trả lời.

“Chắc cũng thừa sức vào đại học lớn nhỉ?”

“Ừ.” Cậu ấy suy nghĩ một chút rồi đáp rất tự tin.

Có lẽ là do thi tốt nên cậu ấy gần gũi hơn ngày thường rất nhiều. Tôi còn tưởng cậu ấy sẽ chỉ nói hai ba câu lạnh nhạt rồi đi ngay.

“Cậu... thi thế nào?” Cậu ấy hỏi.

“Vẫn thế thôi. Lực học của tớ vẫn luôn tầm tầm, thi đỗ là tốt rồi.”

Sau mấy câu đối thoại đơn giản, cả hai đều trở nên trầm mặc. Chúng tôi vốn không phải người nói nhiều, nhất là cậu ấy, quả thực vô cùng kiệm lời. Hôm nay nói được nhiều câu như thế đã là hiếm thấy lắm rồi.

Tôi đang bối rối thì La Duy chạy tới, nhân tiện cầm lấy túi xách trong tay tôi, “Ở đây à? Anh tìm em mãi. Mau đi thôi, mọi người đang chờ.”

Cậu ấy không hề nhìn đến Dương Vân Khai, kéo tôi đi.

Tôi dừng lại, mỉm cười với Dương Vân Khai, “Ngại quá, tớ phải đi rồi. Chúc mừng cậu trước nhé. Tạm biệt.”

“Tạm biệt.” Cậu ấy gật nhẹ đầu, xoay người nhanh chóng bước đi. Bóng lưng của cậu ấy thẳng tắp và vững chãi, nhưng chẳng hiểu sao tôi vẫn thấy có vẻ cô đơn.

La Duy càu nhàu, “Sao em lại đứng đây nói chuyện với kẻ cù lần đó chứ?”

“Dù sao cũng là bạn học, anh tôn trọng người khác chút được không hả?”

“Được rồi được rồi. Không phải kẻ cù lần mà là bạn học Dương. Còn nhìn cái gì? Mau đi thôi. Bên cạnh em có người đẹp trai mê hồn thế này mà em còn nhìn người khác.”

Tôi cấu nhẹ cậu ấy, “Da mặt dày quá nhỉ? Anh vứt Bùi Lương Vũ đi đâu rồi?”

La Duy nắm tay tôi bước đi, “Còn vứt ở đâu được? Vứt ở bồn cầu nhà anh chứ đâu. Biết ngay là em vẫn còn tơ tưởng đến Bùi Lương Vũ mà. Ngay từ đầu anh đã biết anh ấy nguy hiểm rồi.”

Bùi Lương Vũ đang nói gì đó với Vương Khải ở phía trước. Tôi liền hô, “Bùi Lương Vũ, có người nói xấu anh này...”

La Duy vội bịt miệng tôi, “Người nhà em không thương lại còn tiếp tay cho người ngoài, định mưu sát chồng phải không?”

Nhưng không kịp, Bùi Lương Vũ đã lao đến, “Tôi biết thừa, cậu không chiếm được tôi nên muốn hủy diệt chứ gì?”

La Duy ghét nhất là bị người khác nhắc đến chuyện này, nhảy dựng lên vứt túi sang cho tôi, “Vợ, em cầm tạm đã. Anh phải giết tên này trước!”

Hai người náo loạn cả một góc. Tôi cười trốn sang một bên, khoác tay Gia Hinh.

Chẳng biết họ đã đùa nhau như vậy bao nhiêu lần rồi. Tương lai nếu không có gì bất ngờ, chắc sẽ vẫn còn tiếp tục. Chỉ là tôi nghĩ, có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng ở sân trường.

Tôi nhìn xung quanh. Cây cỏ, những tòa nhà, sân thể thao, hòn non bộ, hồ nước đều vô cùng thân thuộc. Ngày thường nhìn chẳng thấy có gì đặc biệt, vậy mà giờ đây lại khiến tôi cảm thấy khó rời xa đến thế.

Tôi đã đi qua mọi ngóc ngách ở nơi này. Con đường này tôi cũng đã đi vô số lần. Cũng ở nơi đây, thầy cô đã truyền đạt cho tôi bao nhiêu kiến thức. Tôi quen thật nhiều người bạn, có được niềm vui, cũng trải qua những nỗi buồn. Đây là nơi tôi đã học tập và gắn bó suốt sáu năm trời. Cảnh vật và thầy cô ở đây có lẽ rất lâu sau cũng không thay đổi, thế nhưng những đứa trẻ từng trưởng thành ở nơi này như chúng tôi, cuối cùng cũng phải chia tay. Tuy rằng hơn mười ngày sau chúng tôi còn phải trở về trường làm nguyện vọng đại học, nhưng tôi biết, ngày hôm nay khi chúng tôi bước ra khỏi cổng trường, là thực sự đã rời xa mất rồi.

Có lẽ mọi người đều có cảm giác giống tôi, thế nên cho dù đang cười đùa, trong đôi mắt vẫn ẩn hiện nhiều điều phức tạp.

Về sau tôi đi ngang qua đây rất nhiều lần, cũng có những khi muốn quay về chốn cũ, nhưng cuối cùng vẫn không trở lại. Tôi không có can đảm bước vào để cảm nhận cảnh vật còn người mất, cảnh hoa đào vẫn cười với gió xuân, mà người xưa không biết đã nơi nào. Thế nên, chỉ có thể để những năm trung học và những ngày tháng thanh xuân đẹp đẽ này của tôi vĩnh viễn ngủ yên trong ký ức.

Chương 11: Anh Tốt Với Em Đến Thế, Nhưng Em Vẫn Khuyên Anh Rời Đi

 

Mọi người đang bàn xem tiếp theo nên đi đâu thì Bùi Lương Vũ đã đi lấy xe trước. Vừa đi đến cổng, chiếc xe đỗ trước trường học khiến tôi giật mình.

Đó là xe của anh.

Điều đầu tiên khiến tôi cảm thấy mình may mắn, đó là tôi đang nắm tay Gia Hinh chứ không phải La Duy.

Anh phát hiện ra tôi rất nhanh. Tuy không bước đến cũng không làm động tác gì, nhưng tôi biết, anh đang dùng ánh mắt ra lệnh cho tôi đi qua đó.

Tôi nói với mọi người một câu rồi vội vã bước tới.

Anh nhíu mày nhìn tôi, “Đi thôi.”

“Anh ơi... Em muốn đi chơi với bạn học trước rồi mới về nhà...”

“Những người đó?” Anh nhìn sang bên, ánh mắt lộ vẻ không thích, “Không được.”

“Đều là bạn học của em, chúng em đi ăn mừng thôi mà.” Tôi vẫn kiên trì thuyết phục anh. Nhớ năm ất, anh thi tốt nghiệp xong, còn đi uống hết hai buổi sáng mới về nhà đấy.

Anh cau mày, “Bảo không được là không được.Mẹ anh và chú Lương đều đang đợi ở nhà ông ngoại rồi.”

Anh đã lấy ông ngoại ra để nói, cho dù tôi không muốn thì cũng phải khuất phục. Hết cách rồi, tôi nhìn về bên các bạn, nhún nhún vai, ra dấu bất đắc dĩ.

Phía bên kia trở nên ồn ào, trong đó giọng La Duy lớn nhất, “Mất hứng quá.”

Tôi âm thầm thở dài, tôi cũng không còn cách nào khác. Tôi phất tay với bọn họ, ra hiệu chúc bọn họ chơi vui, rồi không cam lòng mà lên xe anh.

Suốt cả chặng đường tôi bày ra vẻ mặt đau khổ, muốn dùng nó để lặng lẽ kháng nghị.

“Môi em bĩu lên đến trời rồi đấy,” Anh lườm tôi, “Phí công bà ngoại bận rộn cả buổi chiều để chúc mừng em.”

Tôi không nói gì, mắt nhìn ra ngoài cửa xe.

Anh cũng không nói thêm nữa, đột nhiên lái xe nhanh hơn. Tôi kinh hãi trong lòng. Tôi bày bộ mặt này ra với anh, anh sẽ không cho tôi bị tai nạn xe chứ?

Vừa nghĩ vậy, tôi liền thắt chặt dây an toàn, mặt vẫn cố tỏ ra bình tĩnh.

Anh bỗng cười khẽ một tiếng. Mặt tôi đỏ lên, nhưng vẫn bày ra bộ dạng nghiêm túc, giả vờ không nghe thấy gì.

Hết cách rồi, tôi chính là một con bé nhát gan như vậy. Tôi sợ chết lắm.

Tuy nhiên không khí vui vẻ ở nhà ông ngoại khiến tôi lập tức dẹp nỗi tiếc nuối lúc trước sang một bên.

Chú thím đều ở đó, dì Trần cũng sang giúp thím làm một bàn đầy thức ăn. Ông ngoại luôn nghiêm nghị cũng dịu dàng hơn bình thường nhiều, nhìn thấy tôi liền gọi tôi đến ngồi cạnh. Có lẽ thím đã nói trước nên ông không nhắc gì đến chuyện thi cử nữa. Tôi ngồi nói chuyện với ông một lúc thì vào bếp tìm thím. Thím đang bận rộn, thấy tôi đi vào thì vội đuổi ra, “Đang rán thịt viên, cháu mau đi ra, cẩn thận bị bỏng. Đi rửa tay trước đi rồi chúng ta ăn cơm.”

Tôi lè lưỡi, nghe lời đi ra ngoài.

Lúc tôi đi rửa tay thì anh cũng ở đó. Tôi đang chuẩn bị quay người đi lên phòng rửa tay ở trên tầng thì anh gọi lại.

“Anh rửa xong rồi, em rửa đi.” Anh lấy khăn lau tay.

Tôi rửa tay xong rồi, anh vẫn đứng ở cửa chưa đi, mắt nhìn thẳng vào tôi.

Tôi thẳng lưng nhìn lại anh. Sao hả? Ở nhà ông ngoại em không sợ anh nhé.

“Thằng nhóc to mồm ban nãy là bạn trai của em đấy à?” Anh đột nhiên hỏi.

Tôi nghệt mặt. Đến lúc hiểu anh đang nói đến ai thì mặt đỏ đến tận mang tai, nhưng vẫn giả ngốc, “Ai cơ? Bạn trai nào cơ?”

“Đừng có giả bộ với anh. Với đầu óc của em mà cũng định lừa anh à? Em bao nhiêu tuổi rồi mà bắt chước người ta yêu đương hả? Anh nói cho em biết, sớm chia tay với cậu ta đi.”

“Em không còn bé nữa. Lúc anh bằng tuổi em, bạn gái anh còn đến đánh em gái anh đấy.” Tôi nhỏ giọng phản kháng.

Anh cứng người, “Anh với em không giống nhau.”

“Có gì không giống chứ?”

“Anh là con trai, em là con gái. Anh không sợ bị lừa.” Anh tùy tiện kiếm cớ.

“Em cũng có gì hay để người ta lừa đâu.”

Anh trừng tôi, “Dù sao anh cũng đã nhắc em rồi. Em mà còn liên hệ với cậu ta nữa, anh sẽ nói với mẹ anh và chú em đấy.”

Tôi hết lời. Anh không để ý đến tôi nữa, quay người rời đi. Tôi căm hận nhìn theo bóng lưng anh, chửi thầm. Đồ vô sỉ, đồ tiểu nhân. Còn nói mình là con trai. Càng ngày càng thích xen vào chuyện của người khác.

Lúc ăn cơm bầu không khí rất vui vẻ. Tôi cố tình bỏ qua sự tồn tại của anh, chỉ chuyên tâm lấy lòng ông bà ngoại. Thực ra tôi cảm thấy, vốn dĩ không cần làm cơm chúc mừng thế này. Chỉ là thi xong tốt nghiệp thôi, đâu có phải là thi đỗ đại học. Nhưng nhìn bà ngoại cười vui vẻ, tôi chỉ có thể hết sức tán thưởng tay nghề của bà, “Bà ngoại giỏi quá. Cháu chưa từng được ăn món thịt kho trứng nào ngon thế này.”

Bà ngoại còn chưa nói gì, ông ngoại đã hừ một tiếng, “Đương nhiên rồi. Đồ bên ngoài làm sao bằng đồ bà ngoại cháu làm được? Sau này nhớ thường xuyên về đây ăn.”

Tôi gật đầu lia lịa. Ông ngoại luôn tin vào tay nghề của bà ngoại, đối với ông, không gì có thể sánh được thức ăn bà làm.

Thực ra kể từ khi ông ngoại nghỉ hưu, trong nhà rất ít khi náo nhiệt như vậy. Bà ngoại không chịu thuê người giúp việc, chuyện gì cũng tự mình làm. Chú thím bận việc, anh đi Bắc Kinh học, phần lớn thời gian chỉ có hai ông bà ở nhà. Tôi là người hay về nhất, cứ mỗi cuối tuần lại về ăn cơm đôi lần. Ông bà ngoại là người miền Bắc, rất thân thiết và nhiệt tình. Tôi biết, ông bà đã thực sự xem tôi như cháu ngoại.

Tôi cũng yêu ông bà ngoại và chú thím. Chỉ trừ ông anh trai ra.

Cơm nước xong, tôi phụ thím và dì Trần dọn dẹp. Xong xuôi thì thím gọt hoa quả, rồi đưa tôi mang ra phòng khách. Bà ngoại đang nói chuyện với anh ở đó.

“Hai ngày trước khi bà và ông cháu đi dạo đã gặp bà Lý. Cháu gái bà ấy năm nay cũng tốt nghiệp, làm việc ở công ty quảng cáo gì đó. Cô bé ấy lớn lên rất xinh đẹp. Lúc cháu còn nhỏ, hai đứa đã từng chơi cùng nhau, cháu còn nhớ không?”

“Cháu không nhớ”. Anh trả lời không khách khí.

Tôi đặt đĩa hoa quả lên bàn, ngồi sang một bên. Nếu tôi đoán không lầm thì bà ngoại đang muốn giới thiệu bạn gái cho anh.

“Không nhớ cũng không sao. Thanh niên các cháu nói chuyện với nhau một lúc là sẽ thân thôi.”

“Nhưng cháu không thích.”

“Sao lại không thích? Cháu chia tay với cô bé họ Lộ kia rồi cơ mà?”

“Bà ơi, cháu của bà cũng không phải kẻ háo sắc đến mức không có phụ nữ thì không sống được. Chẳng lẽ cứ chia tay rồi thì phải lập tức tìm người khác? Giờ cháu bận lắm, không có thời gian lo chuyện ấy đâu ạ.”

“Cũng có bảo cháu yêu con bé ngay đâu, cứ làm quen đi đã.” Bà ngoại không từ bỏ ý định.

“Bà đừng nói nữa,” Ông ngoại lên tiếng, “Tuổi của nó cũng chưa phải lớn, giờ là lúc cần lo cho sự nghiệp, mấy chuyện không đứng đắn đó nói ít thôi.”

Anh vội phụ họa, “Đúng thế ạ.”

Tôi khẽ bĩu môi. Là ai ngày nào cũng uống rượu ở quán bar đến khuya mới về nhà? Không đứng đắn nhất chính là anh đó!

Bà ngoại mất hứng, “Yêu đương thì có gì mà không đứng đắn? Lúc ông lấy tôi cũng chỉ bằng tuổi Thành Hề, vậy nghĩa là ông không đứng đắn hả?”

Ông ngoại rõ ràng có chút ngượng ngùng, nhưng lập tức làm mặt nghiêm để che giấu, “Đâu có giống nhau.”

“Mẹ, Thành Hề giỏi như vậy, mẹ còn sợ không có ai thích nó?” Chú tiếp lời, “Thằng bé mới thành lập công ty, rất bận. Để qua một thời gian nữa rồi hãy nói ạ.”

“Đúng vậy.” Anh nói. “Cháu thì vội gì. Trước tiên lo chuyện của Viên Viên đi đã.”

Tôi hốt hoảng, thiếu chút nữa là nhảy dựng lên. Tuy mắt vẫn nhìn chằm chằm vào TV, làm bộ bình tĩnh, nhưng lông tơ đã dựng lên hết cả. Anh ơi, anh không ác đến mức đó chứ? Anh định cấu kết với cả nhà xử hội đồng em đấy à?

Tôi căng thẳng nhìn anh. Anh không nhìn lại, tiếp tục nói, “Em ấy sắp chọn nguyện vọng đại học, đây là chuyện lớn trong đời.”

Trong lòng tôi lập tức thở hắt ra. Đồ xấu xa, dọa người ta sợ như vậy.

“Chuyện này bà không xen vào được. Cháu là anh con bé, hãy cho nó lời khuyên tốt.” Bà ngoại nói.

“Theo ý ông thì vào trường quân đội đi.” Ông ngoại lên tiếng, “Viên Viên, nếu cháu muốn học trường quân đội, ông sẽ đi gọi điện cho chiến hữu cũ ngay.”

Tôi run cả người. Đừng ông ơi. Đừng mà. Một con tép riu vô dụng hết ăn lại nằm như cháu đây, bảo cháu vào trường quân đội thì khác nào lấy mạng cháu.

Thế nhưng tôi không dám từ chối trực tiếp, nhất thời chỉ có thể há hốc miệng, nói không nên lời.

Vẫn là chú tốt, giải vây giúp tôi, “Bố, bố định để Viên Viên đi học trường quân đội thật đấy ạ? Con bé chân yếu tay mềm thế này, bố không thương nhưng con với mẹ thì xót lắm.”

“Đúng thế”. Bà ngoại chen vào, “Trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện nhập ngũ, muốn thì tự ông đi mà nhập. Theo tôi thì Viên Viên chỉ cần đi học ở trường trong tỉnh là được, còn có thể về nhà thường xuyên.”

Tôi cảm kích đến nỗi suýt rơi nước mắt. Thím ơi, bà ngoại ơi, cháu yêu hai người chết đi được!

“Đúng là lòng dạ đàn bà.” Ông ngoại nhăn mặt, “Thanh niên khỏe mạnh, có gì mà không rèn luyện được.”

“Mọi người đừng cãi nhau nữa” Anh im lặng nãy giờ đột nhiên lên tiếng, “Với thành tích của con bé, chuyện đủ điểm hay không vẫn còn là vấn đề.”

“Cái đó ông có thể thu xếp...” Ông ngoại vẫn không từ bỏ.

“Bố, chuyện này vẫn phải hỏi ý của Viên Viên đã ạ,” Chú mở miệng, “Viên Viên, cháu có muốn đi học trường quân đội không?”

Trong thoáng chốc, trừ anh ra, ánh mắt của mọi người dồn hết lên người tôi. Ông ngoại càng có vẻ mong chờ.

Tôi hơi bất an, nhưng cuối cùng vẫn quyết tâm lắc đầu.

Nhìn thái độ của tôi, ông ngoại thở dài, không nói thêm gì nữa.

Tôi có thể hiểu được suy nghĩ của ông ngoại. Ông xuất thân là quân nhân, mặc dù về sau chuyển sang làm chính trị, nhưng trong thâm tâm vẫn coi mình như một người lính. Cả đời ông đều cho rằng làm quân nhân là rất cao quý, thế nên càng mong con cháu nhà mình có thể kế thừa ông. Anh không nghe lời, mọi hy vọng của ông đều trông vào tôi, một đứa thực chất không phải cháu ruột của ông. Nhưng tôi thực sự không muốn vào quân đội. Tôi tôn kính các quân nhân, nhưng họ với tôi cách biệt xa quá. Tôi không thể vì sự kỳ vọng của ông mà đáp ứng bừa được.

Hiếm khi tôi dũng cảm như vậy, về đến nhà vẫn thấy tự phục mình.

Nguyện vọng một của tôi, cuối cùng là đại học của tỉnh.

Gia Hinh khuyên tôi tự tin vào bản thân, chọn một trường tốt hơn thế. Chú cũng cổ vũ tôi cứ mạnh dạn mà chọn, dù thiếu ít điểm chú cũng sẽ có cách. Nhưng tôi vẫn muốn an toàn một chút, chỉ cần làm phiền đến chú là tôi sẽ không yên lòng. Sống ở nhà chú mấy năm nay, tôi hiểu, quyền lợi đối với người trưởng thành là một thứ xa xỉ. Chúng ta muốn có được thứ này thì cần phải hy sinh một thứ khác.

Đại học của tỉnh là sự lựa chọn tốt nhất của tôi. Tuy tôi cũng muốn học ở một trường tốt hơn, để bố mẹ ở quê có thể tự hào một chút, tuy tôi cũng muốn giống Gia Hinh chọn một trường ở nơi xa, sống một cuộc sống tự lập, nhưng đáng tiếc, tôi không đủ dũng khí.

Tôi gọi điện báo cho bố mẹ. Mặc dù bố không hài lòng lắm, tuy nhiên khi biết chú thím đã đồng ý thì cũng không nói thêm gì, chỉ bảo tôi nghỉ hè về nhà chơi mấy hôm. Nhưng tôi hiểu, có những câu bố nói, tôi chỉ nghe chứ sẽ không làm. Mẹ thì vô cùng vui mừng, dặn tôi cố gắng nghe lời chú thím hơn nữa, như vậy sẽ tốt cho tương lai sau này.

Tôi gác máy, thở nhẹ một hơi. Tôi nhìn ra bầu trời xanh bên ngoài cửa sổ, thấy lòng mình vô cùng bình lặng. Có lẽ là vì tôi quá mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, cho nên oán trách với bố mẹ cũng tan thành mây khói. Thậm chí xét về mặt tình cảm, tôi thấy chú thím mới giống bố mẹ tôi, quan tâm, bảo vệ tôi, cho tôi một hoàn cảnh tốt nhất để trưởng thành.


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_22
Phan_23 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .
Duck hunt